Bệnh lạc nội mạc tử cung là gì? Nguyên nhân và cách điều trị?

Lạc nội mạc tử cung là sự phát triển của các mô nội mạc tại những vị trí bên ngoài hoặc tại tử cung như buồng trứng, khung chậu, khoang bụng,… Sự phát triển của các mô “đi lạc” này ảnh hưởng tới khả năng thụ tinh, dẫn đến vô sinh hiếm muộn. Vậy nguyên nhân do đâu và có cách nào điều trị dứt điểm hay không? Hãy để IVF Bưu điện giải đáp nhé!

I.Bệnh lạc nội mạc tử cung là gì?

Nội mạc tử cung hay còn gọi là lớp niêm mạc bên trong lòng tử cung, có chức năng hỗ trợ thai nhi phát triển, trưởng thành, đồng thời lớp niêm mạc này sẽ bong ra, gây ra hiện tượng kinh nguyệt khi người phụ nữ không mang thai. 

lạc nội mạc tử cung

Các mô giống với lớp niêm mạc phát triển ở sai vị trí

Lạc nội mạc tử cung có thể hiểu là những lớp mô giống với lớp niêm mạc, nhưng nó lại phát triển ở sai vị trí như là trong ống dẫn trứng, buồng trứng, thành bên ngoài tử cung,…  Các khối này hoạt động tương tự như lớp niêm mạc, nó sẽ bong ra và chảy máu đều đặn mỗi chu kỳ, tuy nhiên lượng máu này bị chảy ngược vào trong và gây viêm nhiễm các vùng xung quanh, tạo thành khối u hay các vết sẹo.

II.Nguyên nhân lạc nội mạc tử cung

Một số nguyên nhân gián tiếp có thể gây ra hiện tượng lạc nội mạc tử cung như:

1. Trào ngược kinh nguyệt

Máu kinh tại chu kỳ của người phụ nữ không theo dòng chảy ra bên ngoài ra thể mà chảy ngược lại, đi vào các vị trí ống dẫn trứng và khoang chậu. Máu kinh chứa niêm mạc đi vào những vị trí này bắt đầu tích tụ dần, đọng lại tại khu vực đó, hình thành các mô lạc nội mạc. Chúng hoạt động tương tự như các mô bình thường khác, vẫn gây ra hiện tượng kinh nguyệt.

2. Yếu tố di truyền

Nếu gia đình bạn có tiền sử lạc nội mạc tử cung thì nguy cơ bạn cũng gặp vấn đề này. Trong nhiều trường hợp, khi em bé còn trong bụng mẹ thì các tế bào lạc nội mạc đã bắt đầu hình thành ở ngoài tử cung. 

3. Hệ thống miễn dịch

Hệ thống miễn dịch có tác dụng tìm kiếm và phá huỷ những yếu tố ảnh hưởng, nguy hại đến sức khỏe, giống như hệ thống phòng thủ giúp bảo vệ cơ thể. Khi hệ thống này gặp vấn đề, không thể phát hiện được những tế bào nội mạc đi lạc sang những vị trí khác, chính vì vậy chúng không thực hiện tấn công, tiêu huỷ những tế bào này. 

4. Nội tiết tố

Nhiều nghiên cứu cho rằng, hormone estrogen có trong cơ thể người phụ nữ tăng cao là một trong những nguyên nhân biến đổi các tế bào phôi thai thành những mô lạc nội mạc tử cung, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì ở nữ giới.

hormone estrogen

Hormone estrogen tăng cao là một trong những nguyên nhân

5. Phẫu thuật

Sau khi mổ đẻ hay cắt bỏ buồng tử cung, buồng trứng có thể để lại những vết sẹo. Đây là một trong những vị trí dễ bị các tế bào lạc nội mạc dính vào, tạo thành lạc nội mạc tử cung.

III.Triệu chứng lạc nội mạc tử cung là gì?

Bệnh lạc nội mạc tử cung không có một triệu chứng đặc trưng nào, vì vậy nó rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Mỗi bệnh nhân lại có những biểu hiện khác nhau từ nặng đến nhẹ, trong đó có 3 biểu hiện chính, đó là:

Cảm giác đau: ở những khu vực như xương chậu, lưng dưới, ruột. Thông thường, các cơn đau kéo dài trong và sau kỳ kinh, khi đi tiểu,  đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi di chuyển do lạc nội mạc ảnh hưởng đến các dây thần kinh.

Chảy máu: Lượng máu chảy nhiều kết hợp với thời gian hành kinh trong mỗi kỳ kinh nguyệt kéo dài. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thấy máu trong phân hoặc nước tiểu, thậm chí âm đạo chảy máu sau mỗi lần quan hệ.

Vấn đề tiêu hoá: như đau bụng, táo bón, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy,… những biểu hiện này sẽ rõ ràng nhất trong kỳ kinh nguyệt.

IV.Lạc nội mạc tử cung có chữa được không?

Lạc nội mạc tử cung nếu không được điều trị có thể dẫn đến tắc vòi trứng, giảm chất lượng của noãn, cản trở tinh trùng và trứng gặp nhau, dẫn đến việc khó thụ thai. Hiện nay công nghệ khoa học tiên tiến, đã có những giải pháp giúp tiêu diệt những lớp tế bào lạc nội mạc, giúp người bệnh hoàn toàn có thể đón con yêu về với gia đình. 

Tuy nhiên các phương pháp điều trị chưa giải quyết triệt để được căn bệnh mà chủ yếu để giảm ảnh hưởng hay biến chứng của lạc nội mạc. Chính vì vậy, khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng, bạn nên sắp xếp thời gian đi khám để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.

V.Khả năng vô sinh do lạc nội mạc tử cung

Căn bệnh này tuy không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại dẫn đến nguy cơ vô sinh. Theo thống kê, trong số những người phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn thì có khoảng 30-50% nguyên nhân do lạc nội mạc tử cung. 

Kinh nguyệt bất thường, đau bụng kéo dài là những ảnh hưởng của lạc nội mạc

Kinh nguyệt bất thường, đau bụng kéo dài là những ảnh hưởng của lạc nội mạc

Các tế bào niêm mạc đi lạc vào các vị trí gây rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kéo dài, giảm dự trữ buồng trứng. Những lớp lạc nội mạc bong ra có thể dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm, tổn thương các khu vực xung quanh, tắc dính vùng chậu, ống dẫn trứng, làm hạn chế quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng. 

VI.Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn nên theo dõi và ghi lại những triệu chứng xuất hiện trong 1-2 tháng. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về những biểu hiện, tiền sử bệnh và tiến hành chỉ định một số xét nghiệm sau:

– Khám vùng chậu: giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu bất thường trong tử cung của bạn. Phương pháp này không kết luận được bạn có bị lạc nội mạc tử cung hay không mà chỉ phát hiện u nang hay những mô sẹo tử cung.

– Siêu âm đầu dò: bác sĩ tiến hành đưa đầu dò qua đường âm đạo hoặc trực tràng/bụng để quan sát toàn bộ cơ quan sinh sản nữ giới. Phương pháp này đem hiệu quả khi phát hiện u nang buồng trứng nhưng không phải cách tốt nhất để xác định lạc nội mạc tử cung.

– Chụp MRI (cộng hưởng từ): sử dụng sóng radio và từ trường, có thể quan sát hình ảnh giải phẫu toàn bộ cơ thể người bệnh. Thông qua kết quả, bác sĩ có thể biết được vị trí và kích thước, mức độ của các khối lạc nội mạc.

– Nội soi: bác sĩ sẽ gây mê sau đó rạch một đường nhỏ để đưa ống soi ổ bụng vào bên trong. Ổ bụng của bệnh nhân khi đó chứa khí CO2, giúp cho quá trình quan sát và tìm kiếm vị trí, kích thước của các tế bào lạc nội mạc.

VII.Điều trị lạc nội mạc tử cung

1.Sử dụng thuốc

Bác sĩ sẽ kê đơn nhằm giảm đau và điều chỉnh nồng độ hormone trong cơ thể bệnh nhân. Các loại thuốc chống viêm thường được chỉ định như naproxen (Aleve) hay ibuprofen. Một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc như buồn nôn, tức ngực, cân nặng tăng. 

Sử dụng thuốc sẽ làm giảm cơn đau và biến chứng của bệnh

Sử dụng thuốc sẽ làm giảm cơn đau và biến chứng của bệnh

Phương pháp này sẽ làm dịu đi các biến chứng và cơn đau của bệnh. Bạn có thể kết hợp với các biện pháp hỗ trợ khác như: chườm nóng, châm cứu, massage thư giãn, tắm nước ấm,…

2.Phẫu thuật

Nếu bạn sử dụng thuốc từ 3 tháng trở lên nhưng không có tác dụng thì sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật. Đây là cách điều trị bệnh dứt điểm, loại bỏ được những mô nội mạc mà không ảnh hưởng đến bộ phận sinh sản, từ đó nâng cao tỷ lệ đậu thai của bệnh nhân. 

Phương pháp chính được sử dụng đó là nội soi ổ bụng, đây là thủ thuật ít xâm lấn và loại bỏ được những mô lạc nội mạc đang phát triển. Ngoài ra có thể sử dụng một số biện pháp như mổ hở, đốt laser,.. tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ lạc nội mạc.

VIII.Những câu hỏi thường gặp

1.Lạc nội mạc tử cung nên ăn gì?

Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung nên xây dựng chế độ ăn dinh dưỡng, cân bằng. Dưới đây là những thực phẩm được khuyến khích sử dụng:

Giàu Omega 3 và 6: có tác dụng chống viêm và giảm đau, ức chế sự phát triển của các tế bào lạc nội mạc. Một số thực phẩm giàu omega 3 như dầu cá, cá hồi, cá trích, hàu, hạt chia,… 

Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt: chứa nhiều chất xơ, khoáng chất và vitamin. Hàm lượng chất xơ trong cơ thể cao có tác dụng giảm nồng độ estrogen (nguyên nhân gián tiếp dẫn đến lạc nội mạc tử cung). Việc ăn đủ các loại thực phẩm sẽ giúp cơ thể tiếp nạp đầy đủ dinh dưỡng, giảm lượng calo rỗng, chống viêm, giảm đau. 

Sử dụng các thực phẩm như rau xanh, trái cây nhằm giảm nồng độ estrogen

Sử dụng các thực phẩm như rau xanh, trái cây nhằm giảm nồng độ estrogen

Đậu nành: có chứa phytoestrogen có tác dụng chống lại ảnh hưởng của estrogen từ đó làm giảm nguy cơ và giảm biến chứng của bệnh.

Giàu protein: như cá, thịt gia cầm, lạc, các loại hạt,… Đây là những thực phẩm giúp cân bằng lượng hormone và nội tiết tố.

Một số thực phẩm bổ sung chứa kẽm, vitamin A,C,D,E, canxi, sắt, curcumin,…

2.Bị lạc nội mạc tử cung có thai được không?

Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân chính khó có thai ở nữ giới. Nếu bạn có thai, các khối lạc nội mạc làm tăng nguy cơ bị sinh non hoặc sảy thai. Tuy nhiên không phải hoàn toàn không có cơ hội mang thai.

Tại IVF Bưu điện, chúng tôi đã điều trị thành công nhiều ca bệnh lạc nội mạc thành công có em bé. Điều quan trọng là bạn cần đi thăm khám sớm, thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

3.Xét nghiệm gì để biết lạc nội mạc tử cung?

Có 2 phương pháp chính thường được sử dụng để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung là chụp MRI (cộng hưởng từ) và siêu âm.

Siêu âm là phương pháp đưa đầu dò qua âm đạo hoặc đường trực tràng để thu được hình ảnh trên màn hình quan sát. Chụp cộng hưởng từ là phương pháp sử dụng sóng radio và từ trường để cho hình ảnh giải phẫu các bộ phận cơ thể, từ đó quan sát được vị trí các mô nằm ở vị trí khuất.

4.Siêu âm có phát hiện lạc nội mạc tử cung?

Siêu âm là một có thể phát hiện lạc nội mạc chính xác khi số lượng các tế bào càng lớn thì càng dễ dàng thấy. Phương pháp này có nhiều ưu điểm so với các phương pháp khác, những khối mô lạc nội mạc sẽ cho hình ảnh quan sát tối (đen hơn) so với bình thường. Điều này sẽ giúp các chuyên gia chẩn đoán được nguy cơ lạc nội mạc.

5.Phẫu thuật có chữa khỏi lạc nội mạc tử cung không?

Phẫu thuật được coi là phương pháp điều trị tận gốc các mô lạc nội mạc nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều trường hợp sau khi phẫu thuật vẫn có khả năng tái phát, nó phụ thuộc vào tình trạng diễn biến của bệnh và tay nghề bác sĩ có loại bỏ được hết các mô không. 

Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định tái khám để kiểm tra lại chức năng sinh sản. Bệnh nhân lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ hoặc trung bình sau khi phẫu thuật mà cơ thể đáp ứng tốt, sử dụng thuốc nội tiết đều đặn thì tỷ lệ tái phát khá thấp.  

IX.Lời khuyên của Ths.Bs Vương Vũ Việt Hà – IVF Bưu Điện

Theo Ths.BS.Vương Vũ Việt Hà “Do lạc nội mạc tử cung không có dấu hiệu đặc trưng, nhiều bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào mà chỉ phát hiện được khi đi khám sức khỏe hay điều trị vô sinh, hiếm muộn. Mặc dù bệnh nhân vẫn có thể chữa trị để mang thai nhưng tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn so với phụ nữ bình thường, vì vậy mình thường khuyên mọi người nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ.”

Tại IVF Bưu điện, chi phí thăm khám sức khỏe định kỳ cho nữ giới rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng, tuỳ thuộc vào số lượng xét nghiệm thực hiện. Bạn sẽ có 2 mốc thăm khám là ngày 2 chu kỳ kinh và sau sạch kinh 2-5 ngày. Việc thăm khám rất nhanh, trong ngày là bạn có thể nhận được kết quả và không gây quá nhiều đau đớn, khó chịu khi khám.

Đội ngũ nhân viên y tế IVF Bưu điện luôn đồng hành cùng các bạn

Đội ngũ nhân viên y tế IVF Bưu điện luôn đồng hành cùng các bạn

Nếu bạn có những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thì nên đi khám ngay để được bác sĩ hỗ trợ bảo tồn khả năng sinh sản. Hãy cứ thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, bởi vì mục tiêu cuối cùng là giúp các bạn mau khoẻ và có thể đón con yêu khỏe mạnh về nhà.

Hy vọng bài viết trên giúp bạn nắm được những triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, từ đó có cách bảo vệ sức khỏe bản thân!

Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào về các vấn đề hỗ trợ sinh sản, bệnh lý phụ khoa, nam khoa, hãy liên hệ tới các trang thông tin của IVF Bưu điện

☎ Tổng đài Chăm sóc khách hàng Trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu điện: 19001897

🏥Các kênh chính thống của Trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu điện

🔹Email: cskh.ivfbuudien@gmail.com

🔹Chat Facebook: https://m.me/ivf.buudien

🔹Zalo: https://zalo.me/2180550633231888686

🔹Tiktok: https://www.tiktok.com/@ivf_buudien

🌎 Cổng thông tin điện tử Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện: https://ivfbuudien.vn

Đăng ký khám