Polyp lòng tử cung là gì? Khi bị có mang thai được không?

Polyp tử cung là một trong những bệnh lý phổ biến về tử cung. Mặc dù Polyp nằm trong lòng tử cung thường được xem là lành tính, nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể phát triển thành ác tính và gây nguy cơ ung thư. Hơn nữa, vô sinh hiếm muộn là biến chứng của Polyp gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Trong bài viết này, IVF Bưu điện sẽ chia sẻ các cách giúp bạn nhận biết sớm Polyp lòng tử cung và phương pháp điều trị hiệu quả khi mắc bệnh. 

I.Polyp lòng tử cung là gì?

Polyp lòng tử cung là hiện tượng các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung phát triển quá mức tạo thành các khối u nhỏ bên trong lòng tử cung. Nằm giữa cơ tử cung và buồng tử cung là nội mạc tử cung. Đây là lớp niêm mạc bên trong buồng tử cung, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì phôi thai trong quá trình thụ thai và hỗ trợ quá trình làm tổ.  

Polyp lòng tử cung là hiện tượng các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung phát triển quá mức tạo thành các khối u nhỏ bên trong lòng tử cung.

Polyp lòng tử cung có thể mọc đơn lẻ hoặc thành chùm có cuống hoặc không ở bất kỳ vị trí nào.

Theo ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện, polyp lòng tử cung có thể mọc đơn lẻ hoặc thành chùm có cuống hoặc không ở bất kỳ vị trí nào và kích thước dao động từ vài mm thậm chí vài cm.

Bệnh này thường phát triển mạnh ở phụ nữ từ 30 – 50 tuổi và có liên quan đến viêm nhiễm mãn tính. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, khi polyp phát triển quá mức, chúng có thể khiến quá trình tinh trùng và trứng kết hợp và tạo thành phôi trở nên khó khăn hơn từ đó làm giảm khả năng thụ thai ở phụ nữ. 

Hầu hết các polyp được đánh giá không gây hại cho sức khoẻ, nhưng khi tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn và kích thước polyp to khó kiểm soát, các polyp này có thể phát triển đến giai đoạn tiền ung thư nếu không được điều trị kịp thời. 

II.Nguyên nhân gây polyp lòng tử cung

Nguyên nhân chính xác dẫn tới sự hình thành của polyp lòng tử cung chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra, Estrogen trong máu cao có thể làm gia tăng nguy cơ mắc Polyp ở phụ nữ. Theo đó, sự thay đổi hormone, đặc biệt là sự tăng hoặc giảm đột ngột nồng độ hormone estrogen có thể kích thích sự hình thành Polyp lòng tử cung do các tế bào bất thường có môi trường thuận lợi để phát triển. 

Ngoài sự thay đổi tăng giảm của hormone Estrogen, một số yếu tố khác có thể là nguyên nhân gây polyp bên trong lòng tử cung, bao gồm:

– Cân nặng vượt mức tiêu chuẩn (chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 30)

Một trong những nguyên nhân gây polyp có thể kể đến là thừa cân, béo phì.

Thừa cân béo phì có thể là nguyên nhân gây polyp.

– Nguy cơ mắc bệnh tỉ lệ thuận với tuổi tác của phụ nữ. 

– Viêm niêm mạc tử cung mãn tính

– Huyết áp tăng cao

Tóm lại, nguy cơ xuất hiện Polyp tử cung ở phụ nữ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm sự thay đổi của nội tiết và các yếu tố sức khoẻ khác. Vì vậy, duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng và khám phụ khoa định kỳ là yếu tố cần thiết để phát hiện và điều trị polyp ở giai đoạn sớm, hạn chế các biến chứng về sau. 

III.Dấu hiệu nhận biết polyp lòng tử cung

Việc chẩn đoán Polyp tử cung thường gặp khó khăn do các triệu chứng ban đầu khá mơ hồ, đặc biệt khi số lượng polyp ít và kích thước không lớn. Siêu âm và khám phụ khoa giúp phát hiện các khối polyp trong lòng tử cung thông qua hình ảnh trên siêu âm và kết quả xét nghiệm. 

Các triệu chứng thông thường của polyp có thể dễ dàng nhầm lẫn với các bệnh lý phụ khoa khác. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của Polyp:

– Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh nguyệt của người bị polyp thường không ổn định, có thể đến sớm, muộn hoặc kéo dài bất thường.

– Chảy máu âm đạo bất thường: Rong kinh (chảy máu nhiều và kéo dài), rong huyết (chảy máu giữa các chu kỳ) hoặc xuất hiện máu sau khi quan hệ tình dục. Đặc biệt, bạn trong giai đoạn mãn kinh cần đi khám sớm vì ra máu trong trường hợp này có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm. 

– Khó thụ thai: Polyp gây nhiều trở ngại cho các cặp vợ chồng đang có kế hoạch sinh con, đặc biệt là giai đoạn hình thành và làm tổ của phôi thai, làm giảm khả năng thụ thai. 

Các triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa khác vì không phải ai cũng có những biểu hiện giống nhau, thậm chí nhiều bệnh nhân không có biểu hiện do khối polyp nhỏ. Tuy nhiên, hầu hết các polyp tử cung đều lành tính, nhưng một số trường hợp có thể tiềm ẩn nguy cơ biến chứng thành ung thư cổ tử cung. 

Bác sĩ Vương Hà khuyến cáo tới bệnh nhân rằng “Polyp tử cung thường không có triệu chứng nào đặc biệt hoặc thường rất mơ hồ, đòi hỏi thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán chính xác bệnh.”

IV.Phương pháp phát hiện polyp tử cung

Để chẩn đoán polyp, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

– Thăm khám và tư vấn dựa trên các dấu hiệu lâm sàng: Bác sĩ sẽ cần được cung cấp thông tin về chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thường xuyên trễ hay không, triệu chứng đang gặp phải và tiền sử bệnh lý. Nếu bạn đang trong giai đoạn mãn kinh, bạn hãy cung cấp các thông tin về phương pháp bổ sung hormone đang thực hiện. 

Để chẩn đoán polyp, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và tư vấn dựa trên các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên.

Thăm khám và tư vấn là bước đầu tiên để chẩn đoán các dấu hiệu lâm sàng do polyp gây ra.

– Siêu âm: Đây là phương pháp hình ảnh không xâm lấn, giúp bác sĩ quan sát rõ hình ảnh của polyp trong lòng tử cung. 

+ Siêu âm qua ngả âm đạo: Giúp bác sĩ quan sát rõ kích thước, vị trí và số lượng polyp.

+ Siêu âm bơm nước buồng tử cung: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát rõ hơn các cấu trúc bên trong tử cung, đặc biệt là những polyp nhỏ hoặc nằm sâu trong lòng tử cung. 

– Nội soi buồng tử cung: Bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp tử cung qua một ống nội soi nhỏ.

– Sinh thiết nội mạc tử cung: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ niêm mạc tử cung để xét nghiệm dưới kính hiển vi. Đây là cách chắc chắn nhất để xác định tính chất lành tính hay ác tính của polyp. 

Việc kết hợp các phương pháp chẩn đoán trên sẽ giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bạn đang gặp phải từ đó lên liệu trình điều trị phù hợp. 

V.Polyp lòng tử cung có nguy hiểm không?

Phát hiện và điều trị polyp tử cung kịp thời là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe và khả năng sinh sản, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Mặc dù polyp tử cung thường được coi là lành tính, nhưng nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách, chúng có thể phát triển thành ác tính, gây ra những rủi ro nghiêm trọng. Do đó, việc thăm khám và xử lý sớm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Một số biến chứng nguy hiểm của Polyp tử cung đó là: 

– Vô sinh, hiếm muộn: Polyp có thể cản trở quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng, gây khó khăn trong việc mang thai.

– Xuất huyết bất thường: Gây tình trạng rong kinh, rong huyết, làm tăng nguy cơ thiếu máu.

– Viêm nhiễm phụ khoa: tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm ở âm đạo và cổ tử cung. 

– Sảy thai, sinh non: Polyp tử cung gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi, dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. 

– Tăng nguy cơ ung thư: đây là trường hợp hiếm nhưng một số polyp đã biến đổi từ lành tính thành ung thư. 

VI.Polyp lòng tử cung có mang thai được không?

Rất nhiều chị em phụ nữ băn khoăn không biết liệu polyp tử cung có ảnh hưởng đến khả năng mang thai của mình hay không. Câu trả lời là quá trình mang thai ở những bệnh nhân mắc Polyp thường không dễ dàng và khó khăn trong việc duy trì thai kỳ. 

Nguyên nhân polyp tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh sản đó là nó làm cản trở sự gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng. Polyp làm thay đổi môi trường tử cung, không thuận lợi cho trứng thụ tinh bám vào và phát triển. Ngoài ra, đối với phụ nữ mang thai bị bệnh, polyp có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, xuất huyết, làm tăng nguy cơ sảy thai.  

Nhiều nghiên cứu cho biết, việc loại bỏ khối polyp có thể cải thiện khả năng mang thai đáng kể. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước, vị trí của polyp, cũng như sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, bạn hãy nhờ bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình để có thể sớm mang thai và đón con yêu về nhà.

VII.Điều trị polyp tử cung như thế nào?

1.Điều trị bảo tồn và theo dõi

Tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi sự tiến triển của Polyp thay vì có các tác động can thiệp vào lòng tử cung. Phương pháp điều trị bảo tồn và theo dõi thường được áp dụng với những Polyp tử cung có kích thước nhỏ dưới 10mm và không biểu hiện triệu chứng khó chịu. Lời khuyên của bác sĩ với trường hợp này đó là bạn cần tuân thủ lịch thăm khám định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển của Polyp và can thiệp kịp thời nếu cần thiết.

2.Điều trị nội khoa

Khi bệnh nhân có các triệu chứng khó chịu do polyp gây ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nội tiết để làm giảm các triệu chứng này. Cơ chế hoạt động của thuốc này là điều chỉnh lượng hormone trong cơ thể, giúp làm chậm lại sự phát triển của Polyp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời và Polyp có thể tái lại khi ngừng dùng thuốc. Với nhiều trường hợp, bác sĩ đã linh hoạt sử dụng phương pháp điều trị nội khoa kết hợp với các pháp đồ khác để cải thiện hiệu quả điều trị. 

3.Điều trị ngoại khoa

Nếu kích thước Polyp của bạn lớn hơn 1,5 cm với số lượng nhiều, hoặc xuất hiện các triệu chứng như rong kinh, rong huyết hoặc khi phụ nữ mang thai muốn có con, việc phẫu thuật để loại bỏ Polyp là cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng.   

3.1.Mổ nội soi polyp để cắt polyp lòng tử cung

Qua một ống nội soi nhỏ, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ chuyên biệt vào buồng tử cung để loại bỏ hoàn toàn các polyp, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và cải thiện chất lượng cuộc sống. Phương pháp này mang lại hiệu quả rất cao, với tỷ lệ thành công lên đến 75 – 100% theo các nghiên cứu. 

3.2.Cắt bỏ hoàn toàn tử cung

Quá trình tư vấn trước khi điều trị là rất quan trọng, đặc biệt với những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, giúp họ hiểu rõ về tình trạng bệnh và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Phương pháp cắt bỏ hoàn toàn tử cung rất ít được áp dụng vì phương pháp này sẽ khiến bạn mất hoàn toàn khả năng mang thai. 

VIII.Phòng ngừa và hạn chế bị polyp lòng tử cung

Mặc dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây Polyp, chị em vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

– Tập luyện thể dục đều đặn: Tập luyện giúp giảm cân, tăng cường cơ bắp, cải thiện giấc ngủ và giảm stress hiệu quả.

– Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, ưu tiên rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm chế biến sẵn. 

– Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần: Khám sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe sinh sản, trong đó có polyp tử cung. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 

Hy vọng, bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về Polyp tử cung và có những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hãy luôn chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân để có được một cuộc sống khỏe mạnh và viên mãn nhé. 

IVF Bưu điện – Nơi chắp cánh Giấc mơ làm cha mẹ!

Đăng ký khám