Polyp buồng tử cung là gì? Có mang thai được không?

Polyp buồng tử cung là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ từ 40-50 tuổi, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của người bệnh. Vậy Polyp ở buồng tử cung là gì và bệnh nhân có cơ hội mang thai khi mắc bệnh không? Hãy để IVF Bưu điện giải đáp trong bài viết dưới đây.

I.Polyp buồng tử cung là gì?

Polyp buồng tử cung là sự phát triển quá mức của các tế bào nội mạc tử cung tại bất kỳ vị trí nào trong buồng tử cung. Các khối polyp này có kích thước từ nhỏ (vài milimet) đến to (vài centimet), có cuống hoặc đế gắn với thành tử cung. 

Polyp tử cung

Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều khối polyp trong cơ thể

Đây là một trong những bệnh lý khá phổ biến mà chị em gặp phải. Trong đó, bệnh nhân trong độ tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ trẻ tuổi. Một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều khối polyp. 

II.Nguyên nhân gây polyp buồng tử cung

Nhiều nghiên cứu cho rằng, nguyên  nhân dẫn đến polyp ở buồng tử cung là do sự thay đổi nồng độ estrogen ngoại sinh và nội sinh. Chính vì vậy, phụ nữ dưới 20 tuổi thường hiếm khi mắc căn bệnh này. Một số tác nhân có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, cụ thể như:

Béo phì : bệnh nhân có chỉ số BMI (tỷ lệ cân nặng chia cho bình phương chiều cao) trên 30 thì tỷ lệ polyp ở buồng tử cung trên 50%, cao hơn với với bình thường. 

Dùng thuốc Tamoxifen: đây là một loại thuốc thường dùng cho bệnh nhân ung thư vú. Theo thống kê có khoảng 8-36% bệnh nhân trong giai đoạn sau mãn kinh sử dụng thuốc đang mắc polyp ở buồng tử cung. 

Điều trị hormone thay thế: có chứa estrogen làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ. Ngoài ra bệnh nhân mắc hội chứng như Cowden, Lynch hay bị tăng huyết áp cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

III.Dấu hiệu nhận biết polyp buồng tử cung

Một người phụ nữ khỏe mạnh có chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 24-38 ngày và thời gian ra máu kinh khoảng 4-7 ngày. Đối với bệnh nhân bị polyp ở buồng tử cung thì triệu chứng phổ biến nhất là xuất huyết âm đạo và chu kỳ kinh bất thường.

Chu kỳ kinh của bệnh nhân kéo dài hơn bình thường (rong kinh, rong huyết), lượng máu kinh chảy ra không đều, khó có thể xác định được chu kỳ kế tiếp. Ngoài ra, bạn có thể bị ra máu lốm đốm ở giữa chu kỳ, chảy máu đỏ hoặc nâu ở thời kỳ sau mãn kinh, thậm chí chảy máu âm đạo sau khi quan hệ.

rong kinh, rong huyết

Tình trạng rong kinh là biểu hiện phổ biến ở người bệnh

Một số triệu chứng khác của polyp ở buồng tử cung như đau bụng từ âm ỉ đến dữ dội, quan hệ tự nhiên không dùng biện pháp tránh thai mà sau khoảng 6 tháng – 1 năm không có con. Khi đó bệnh nhân rơi vào trường hợp vô sinh, hiếm muộn, cần đi thăm khám sớm để đánh giá nguyên nhân.

IV.Phương pháp phát hiện polyp buồng tử cung

Siêu âm đầu dò âm đạo: là lựa chọn đầu tiên để xác định bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa một đầu dò vào âm đạo hoặc thông quan trực tràng để quan sát toàn bộ cơ quan sinh sản người phụ nữ. Thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ quan sát, phát hiện bất thường ở niêm mạc khi chúng dày lên.

Siêu âm bơm nước buồng tử cung: bác sĩ sẽ bơm nước muối sinh lý hoặc các dung dịch phản âm vào tử cung thông qua âm đạo của người phụ nữ. Phương pháp này giúp quan sát rõ nét, chi tiết bên trong tử cung hơn. 

siêu âm bơm nước

Siêu âm bơm nước là phương pháp thường được dùng để phát hiện polyp ở buồng tử cung

Nội soi buồng tử cung: bác sĩ đưa một ống có gắn camera vào buồng tử cung của bệnh nhân thông qua âm đạo và cổ tử cung nên bạn không cần rạch da. Cách này thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý hoặc hỗ trợ phẫu thuật cắt polyp.

Sinh thiết nội mạc tử cung: để chẩn đoán khối u polyp là lành tính hay ác tính, bác sĩ sẽ lấy một ít mô ở thành tử cung bệnh nhân đem đi đánh giá. Trong một số trường hợp, tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung cũng sản sinh các khối u tương tự như polyp, vì vậy nên đánh giá để loại trừ.

V.Polyp buồng tử cung có nguy hiểm không?

Mặc dù đa phần các khối polyp tử cung không ác tính, nhưng nếu chúng phát triển, trở nặng mà không theo dõi để phát hiện kịp thời thì có thể nguy hiểm đến sức khoẻ. Một số rủi ro mà bệnh nhân có thể gặp phải:

Vô sinh, hiếm muộn: Các khối polyp phát triển khiến buồng tử cung bị biến dạng, cản trở di chuyển của tinh trùng để thụ tinh với trứng. Ngoài ra, phôi thai sau thụ tinh cũng khó làm tổ do môi trường không thuận lợi.

Sảy thai, dị tật thai nhi: bệnh nhân bị bong tróc niêm mạc, chắn chỗ trong lòng tử cung khiến phôi không có điểm tựa để bám và làm tổ, dẫn đến sảy thai, thai lưu, sinh non, thai nhi phát triển bất thường.

Rong kinh, rong huyết: Bệnh nhân polyp ở buồng tử cung có kinh nguyệt dài bất thường gây thiếu máu, thậm chí là băng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Viêm nhiễm phụ khoa: Cơ thể bệnh nhân tiết ra nhiều dịch âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, gây ra những bệnh phụ khoa như viêm cổ tử cung, âm hộ, âm đạo

Nguy cơ ung thư: Đa phần các khối polyp là lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến hoại tử, viêm nhiễm lan rộng tới cơ tử cung, nội mạc tử cung. Lâu dần, các tế bào u ác tính hình thành, gây ra ung thư niêm mạc, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung.

VI.Polyp buồng tử cung có mang thai được không?

Nếu các khối polyp lành tính, kích thước nhỏ thì chủ yếu chúng chỉ gây khó khăn cho quá trình tinh trùng tìm trứng để thụ tinh, bệnh nhân vẫn có thể mang thai. Tuy nhiên khi kích thước tăng dần, làm biến dạng buồng tử cung, bít tắc, chèn ép khiến cho phôi dù có thụ tinh cũng khó thể làm tổ, dẫn đến sảy thai, thai lưu, sinh non.

Nhiều trường hợp, các khối u polyp bắt đầu trở nên ác tính, dễ gây ra những bệnh phụ khoa viêm nhiễm, ung thư tử cung ở phụ nữ, khiến cơ hội mang thai lại càng giảm đi. Chính vì vậy, khi bạn có những dấu hiệu của polyp ở buồng tử cung, thì nên đến ngay cơ sở y tế để có thể ngăn ngừa sự phát triển polyp và có phương án bảo tồn sinh sản, nâng cao tỷ lệ mang thai.

VII.Điều trị polyp buồng tử cung như thế nào?

Tuỳ thuộc vào tình trạng cơ thể của mỗi người và mức độ nguy hiểm của bệnh lý mà bác sĩ sẽ chỉ định những biện pháp khác nhau. Nếu các khối u không có ảnh hưởng đến sức khoẻ thì thông thường bạn sẽ chỉ cần thăm khám, theo dõi định kỳ, chờ các khối polyp tự biến mất. 

Khi bắt đầu có những tác động đến cơ thể, thì bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định các phương pháp điều trị sau:

1.Sử dụng thuốc

Đây là phương án điều trị tạm thời bởi không giải quyết dứt điểm, bệnh vẫn có nguy cơ tái phát trở lại khi bệnh nhân dừng sử dụng thuốc. Bạn sẽ được chỉ định uống các thuốc nội tiết tố trong đó có progestin hoặc gonadotropin nhằm co nhỏ tử cung, cân bằng nội tiết và giảm các biến chứng cơ thể.

2.Mổ nội soi cắt polyp ở buồng tử cung

Đây là phương pháp hiện đại, nhẹ nhàng, ít đau và có tỷ lệ tái phát thấp. Thông thường, ca phẫu thuật sẽ diễn ra vào ngày 3-5 sau khi bệnh nhân sạch kinh và trước ngày 12 của chu kỳ kinh. 

Phương pháp này gồm 2 bước chính. Đầu tiên, bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, bệnh nhân sẽ mất cảm giác ở nửa thân dưới. Bước thứ hai, bác sĩ sẽ đưa vào lòng tử cung của bạn dụng cụ có chứa camera để đánh giá kích thước và vị trí của khối polyp buồng tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ chuyên biệt để cắt lần lượt các khối polyp thông qua quan sát trên màn hình. 

cắt polyp buồng tử cung

Mổ nội soi cắt polyp buồng tử cung không gây đau đớn và có tỷ lệ tái phát thấp

Thời gian diễn ra phẫu thuật từ 30-40 phút, bệnh nhân có thể xuất viện vào ngay ngày hôm sau nếu cơ thể không có vấn đề gì. Khi về nhà, bạn nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám vào ngày 2 chu kỳ kinh tiếp theo. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể mang thai vào ngay tháng kế tiếp

3.Cắt bỏ tử cung

Khi các khối u phát trở thành ác tính và có tế bào ung thư thì bệnh nhân cần thực hiện cắt bỏ tử cung. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không còn cơ hội mang thai nữa. Khi đó hãy chia sẻ thẳng thắn, mong muốn của gia đình để bác sĩ có những phương án bảo tồn, hỗ trợ sinh sản.

VIII.Phòng ngừa và hạn chế bị polyp buồng tử cung

Đến thời điểm hiện tại, chưa tìm ra phương pháp phòng ngừa polyp buồng tử cung hoàn toàn triệt để mà chỉ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ở chị em. Các bạn nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng, kết hợp với rèn luyện thể thao để không mắc các bệnh béo phì, tăng huyết áp,..

Polyp ở buồng tử cung thường không có biểu hiện rõ rệt và dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác, vì vậy, các bạn nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện kịp thời, theo dõi sự phát triển, bất thường của cơ thể.

Ngoài ra, những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường như huyết áp cao, béo phì, đang điều trị ung thư vú, ,mắc hội chứng Cowden, Lynch,… thì cần đặc biệt quan tâm thăm khám định kỳ.

Tại IVF Bưu điện, chúng tôi đang sử dụng hai phương án chính để điều trị Polyp buồng tử cung: điều trị nội khoa (dùng thuốc) và phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt polyp. Với kỹ thuật hiện đại, trình độ chuyên môn cao, chúng tôi đã giúp đỡ rất nhiều gia đình điều trị polyp ở buồng tử cung với tỷ lệ tái phát thấp, có thể thành công đón con yêu về nhà.

bác sĩ Hằng IVF Bưu điện

Mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị riêng tại IVF Bưu điện

Khi đến thăm khám tại IVF Bưu điện, bạn sẽ được tư vấn và thiết kế một phác đồ điều trị “cá nhân hoá” với chi phí tiết kiệm, hiệu quả nhất. Nếu còn bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, hãy liên hệ tới các kênh truyền thông của Trung tâm để được hỗ trợ 

☎ Tổng đài Chăm sóc khách hàng Trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu điện: 19001897

🏥Các kênh chính thống của Trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu điện

🔹Email: cskh.ivfbuudien@gmail.com

🔹Chat Facebook: https://m.me/ivf.buudien

🔹Zalo: https://zalo.me/2180550633231888686

🔹Tiktok: https://www.tiktok.com/@ivf_buudien

🌎 Cổng thông tin điện tử Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện: https://ivfbuudien.vn

Đăng ký khám