Kích thước buồng trứng ảnh hưởng thế nào tới việc mang thai?

Kích thước buồng trứng có quan hệ mật thiết với dự trữ buồng trứng, ảnh hưởng đến số lượng trứng tiềm năng mỗi chu kỳ có thể rụng để thụ thai. Thông thường kích thước buồng trứng của người phụ nữ sẽ giảm sau 30 tuổi, làm giảm tỷ lệ mang thai. Vậy có những cách nào để cải thiện sức khỏe buồng trứng, cùng IVF Bưu điện tìm hiểu nhé!

I. 4 yếu tố ảnh hưởng tới kích thước buồng trứng của người phụ nữ

Buồng trứng là một cơ quan sinh sản đặc biệt quan trọng của người phụ nữ, chịu trách nhiệm lưu trữ, sản xuất trứng và các hormone sinh dục như estrogen và progesterone. Mỗi phụ nữ thường có hai buồng trứng, nằm đối xứng hai bên tử cung trong vùng khung chậu. 

Thông thường, trước tuổi dậy thì, buồng trứng có màu hồng nhạt và bề mặt mịn màng. Tuy nhiên vào giai đoạn dậy thì, bề mặt buồng trứng trở nên sần sùi hơn do quá trình rụng trứng hàng tháng khiến vỏ buồng trứng bị rách, để lại những vết sẹo nhỏ. Đến giai đoạn mãn kinh, khi hiện tượng rụng trứng chấm dứt, bề mặt buồng trứng lại trở nên mịn màng như trước.

Buồng trứng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh sản phụ nữ

Buồng trứng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh sản phụ nữ

Buồng trứng đóng vai trò then chốt trong quá trình sinh sản của của chị em, bởi vì mỗi tháng buồng trứng sẽ giải phóng từ 1 đến 2 quả trứng để tiến hành thụ tinh, hay còn được gọi là quá trình rụng trứng. Ngoài việc sản xuất trứng, buồng trứng còn duy trì sự cân bằng hormone, ảnh hưởng sâu sắc đến chu kỳ kinh nguyệt, phát triển các cơ quan sinh dục và sinh sản, các đặc điểm trên cơ thể nữ giới. Đồng thời, các hormone này còn hỗ trợ cho quá trình thụ tinh và hình thành thai nhi.

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài tác động đến cơ thể của người phụ nữ, khiến cho kích thước buồng trứng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới đây là 4 tác nhân chính mà chị em cần lưu ý:

1.Bị rối loạn buồng trứng

Các rối loạn buồng trứng như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hay các khối u buồng nang buồng trứng cũng có thể gây ra sự thay đổi đáng kể về kích thước của buồng trứng. Hiện tượng PCOS có xu hướng làm buồng trứng to ra do sự phát triển bất thường của nhiều nang trứng nhưng không rụng mà vẫn tồn tại ở vị trí đó. Ngược lại, một số rối loạn khác như suy buồng trứng sớm có thể làm cho buồng trứng co lại và giảm kích thước.

2.Tuổi tác của người phụ nữ

Từ khi chào đời, mỗi bé gái đã có hai buồng trứng mỗi buồng có đường kính khoảng 1cm và nặng từ 250-350mg. Khi đến tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu phát triển do sự thay đổi hormone trong cơ thể và giảm dần sau 30 tuổi.

Kích thước buồng trứng của người phụ nữ thay đổi theo tuổi tác, lớn nhất trong giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh. Trung bình, buồng trứng đạt kích thước chiều dài 3cm, chiều cao 2,5cm và chiều rộng 1,5cm. Kích thước buồng trứng của người phụ nữ thường nhỏ nhất sau mãn kinh và trước tuổi dậy thì, với đường kính dưới 20mm.

3.Đang điều trị vô sinh

Bệnh nhân điều trị vô sinh thực hiện các phương pháp như thụ tinh ống nghiệm IVF hay thụ tinh nhân tạo IUI thường được chỉ định sử dụng hormone kích thích buồng trứng. Mục đích của kỹ thuật này là để tăng cường khả năng rụng trứng, để thu được nhiều trứng trong chu kỳ đó hơn, từ đó tiến hành chọc hút hoặc bơm tinh trùng.

Sử dụng thuốc kích trứng có thể ảnh hưởng tới kích thước buồng trứng

Sử dụng thuốc kích trứng có thể ảnh hưởng tới kích thước buồng trứng

Việc sử dụng các loại thuốc kích trứng có thể làm buồng trứng tạm thời to ra do sự phát triển của nhiều nang trứng cùng lúc. Chị em không nên lo lắng quá mức, vì hiện tượng này sẽ dần dần biến mất sau khi ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên nếu bệnh nhân sau khi dùng thuốc mà cảm thấy đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo,..cần đến ngay cơ sở y tế bởi đây có thể là biểu hiệu quá kích buồng trứng khi sử dụng hormone, làm cho buồng trứng sưng to quá mức.

4.Phụ nữ đang mang thai

Trong thai kỳ, kích thước buồng trứng của người phụ nữ thường tăng gấp đôi, bởi khi đó cơ thể cần sản xuất hormone progesterone và estrogen để duy trì thai kỳ. Trước và trong khi mang thai, bệnh nhân cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo không mắc các bệnh như u nang, u xơ.

II.Kích thước buồng trứng của người phụ nữ ảnh hưởng thế nào tới việc mang thai?

Kích thước buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai của người phụ nữ, mặc dù nó không phải là yếu tố duy nhất quyết định khả năng sinh sản. Đầu tiên, kích thước buồng trứng của người phụ nữ có mối quan hệ mật thiết với dự trữ buồng trứng, tức là số lượng trứng mà một phụ nữ có trong buồng trứng. Khi buồng trứng nhỏ hơn bình thường, đặc biệt là sau mãn kinh hoặc do một số điều kiện y tế như suy buồng trứng sớm, dự trữ trứng có thể giảm, làm giảm khả năng thụ thai. 

Để xác định kích thước và đánh giá chức năng buồng trứng, bạn có thể cần thực hiện các xét nghiệm như siêu âm và xét nghiệm máu. Siêu âm có thể tiết lộ số lượng nang trứng và đánh giá liệu khả năng dự trữ trứng của bạn có ở mức bình thường hay không.

Siêu âm đầu dò là một trong những xét nghiệm có thể đánh giá sức khoẻ buồng trứng

Siêu âm đầu dò là một trong những xét nghiệm có thể đánh giá sức khoẻ buồng trứng

Tuy nhiên, kích thước buồng trứng của người phụ nữ lớn hơn không đồng nghĩa với việc bạn có nhiều trứng hơn. Buồng trứng của bạn cũng có thể phình to do bất thường, rối loạn nội tiết hoặc sự xuất hiện của khối u. Trong những trường hợp này, quá trình rụng trứng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trong việc thụ thai. Ví dụ như những bệnh nhân đa nang buồng trứng, bác sĩ có thể đo được kích thước buồng trứng tăng lên đến hơn 15cm. 

Vì vậy, hiện tượng buồng trứng phình to, đó có thể là dấu hiệu của rối loạn nội tiết, u nang hoặc khối u. Khi gặp khó khăn trong quá trình mang thai, bạn nên tới bệnh viện để thăm khám và tìm kiếm nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị.

III.Kích thước buồng trứng của người phụ nữ như thế nào là có thai?

Một buồng trứng trưởng thành, khỏe mạnh thường có kích thước dài 3cm, cao 2,5cm, và rộng 1,5cm, đây là dấu hiệu của khả năng sinh sản tốt. Với kích thước này, buồng trứng có đủ lượng trứng dự trữ, giúp người phụ nữ khỏe mạnh có thể thụ thai mà không gặp trở ngại.

Ngoài ra kích thước trứng rụng cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới khả năng đậu thai của người mẹ. Theo các chuyên gia, kích thước nang trứng phù hợp để thụ tinh nằm trong khoảng từ 18-22mm. Nếu thấp hơn 16mm hoặc cao hơn 30mm thì tỷ lệ thụ thai sẽ thấp đi. Để có kết quả tốt nhất, bệnh nhân nên đi khám và kiểm tra để được theo dõi thường xuyên.

IV.Cần làm gì để cải thiện sức khỏe buồng trứng?

Buồng trứng gặp bất kỳ vấn đề nào cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ. Một vài dấu hiệu của cơ thể là tín hiệu cảnh báo buồng trứng của bạn đang có bất thường như:

– Đau vùng chậu, vùng bụng, đau bụng vào ngày kinh

– Kinh nguyệt bất thường

– Tiết nhiều dịch âm đạo

– Cơ thể buồn nôn hoặc đi ngoài, tiêu chảy

Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục và khỏe mạnh

Bệnh nhân nên đi khám khi cơ thể xuất hiện biểu hiện bất thường

Theo Ths.BS.Vương Vũ Việt Hà, bệnh nhân dù xuất hiện hay không có biểu hiện bất thường thì đều nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ 6 tháng 1 lần. Bác sĩ chia sẻ “Mình đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân trước kia khoẻ mạnh bình thường, nhưng khi đi thăm khám lại phát hiện bị vô tinh hay dự trữ buồng trứng rất thấp”. Chính vì vậy, chúng ta không nên chủ quan và coi thường, hay ngại ngùng khi nhắc tới vấn đề này, bởi theo thời gian thì tỷ lệ chữa bệnh càng thấp.

Bên cạnh việc thăm khám để tìm ra bệnh, chúng ta có thể phòng tránh nguy cơ mắc phải những bệnh liên quan đến buồng trứng theo cách sau:

Chế độ ăn uống: Bổ sung đầy đủ các loại rau củ quả tươi sạch vào bữa ăn hàng ngày, hạn chế tối đa đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hợp, chế biến sẵn hay chứa nhiều dầu mỡ.

Uống nước: Uống đủ 1 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cơ thể luôn được cung cấp đủ nước.

Tập luyện: Tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện tuần hoàn máu.

Tinh thần: Giữ tinh thần lạc quan, thư giãn để giảm thiểu căng thẳng, stress.

Cân nặng: Chỉ số BMI phù hợp từ 18-25, bạn không nên để cơ thể quá béo hoặc quá gầy.

Vệ sinh: Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày và sử dụng loại dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh thụt rửa sâu.

Quan hệ: Quan hệ tình dục an toàn, không nên quan hệ cùng lúc với nhiều đối tượng và nên có biện pháp tránh thai nếu chưa có ý định sinh con.

Hi vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bạn có thêm thông tin về để có thể bảo vệ sức khỏe sinh sản của bản thân và người xung quanh tốt hơn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể liên hệ tới các trang thông tin của IVF Bưu điện dưới đây:

☎ Tổng đài Chăm sóc khách hàng Trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu điện: 19001897

🏥Các kênh chính thống của Trung tâm HTSS Bệnh viện Bưu điện

🔹Email: cskh.ivfbuudien@gmail.com 

🔹Chat Facebook: https://m.me/ivf.buudien 

🔹Zalo: https://zalo.me/2180550633231888686 

🔹Tiktok: https://www.tiktok.com/@ivf_buudien 

🌎 Cổng thông tin điện tử Trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện: https://ivfbuudien.vn 

Đăng ký khám