Buồng trứng đa nang: dấu hiệu, chẩn đoán, biến chứng và điều trị

Hội chứng buồng chứng đa nang là các rối loạn liên quan đến mất cân bằng nội tiết. Vậy, phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể có thai tự nhiên hay không? Trong bài viết này, hãy cùng IVF Bưu điện tìm hiểu thêm bệnh Buồng trứng đa nang nhé!

Buồng trứng đa nang là gì?

Buồng trứng đa nang, gọi đúng là hội chứng buồng trứng đa nang (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là rối loạn nội tiết của người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, thường là kéo dài hoặc mất kinh, tăng nồng độ nội tiết tố nam và xuất hiện nhiều nang trứng nhỏ trong buồng trứng.

Nguyên nhân của PCOS chưa được tìm ra. Những nghiên cứu chỉ ra PCOS có yếu tố về gia đình, lối sống. Phụ nữ mắc PCOS có khả năng mẹ, dì, em mắc cao hơn 50% so với bình thường.

Hình ảnh buồng trứng đa nang

Phụ nữ mắc PCOS có khả năng mẹ, dì, em mắc cao hơn 50% so với bình thường.

Các dấu hiệu thường gặp ở người mắc buồng trứng đa nang

  • Rối loạn kinh nguyệt

Kinh thưa hay không có kinh (rối loạn phóng noãn) là triệu chứng thường gặp nhất của PCOS. Khoảng gần 80% bệnh nhân BTĐN có biểu hiện này, nghĩa là hơn 20% còn lại hành kinh đều bình thường.

  • Rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu

Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng này gặp tình trạng “rậm lông” ở mặt, lưng, bụng và ngực. Mặt khác, nhiều người còn gặp phải tình trạng hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần. Những hiện tượng này đều xuất phát từ sự tăng lên các hormone nam trong cơ thể.

Rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu

Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng này gặp tình trạng “rậm lông” ở mặt, lưng, bụng và ngực.

  • Thừa cân, béo phì

Đa số phụ nữ bị đa nang buồng trứng gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ lại gầy gò thiếu cân.

  • Siêu âm có hình ảnh buồng trứng đa nang

Để chính xác cần siêu âm ngả âm đạo, siêu âm ngả bụng dễ sai lầm.

Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh đa nang trứng cá vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, phụ nữ nên tự theo dõi và thường xuyên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh buồng trứng đa nang ở nữ giới

Hội chứng buồng trứng đa nang là một tập hợp của nhiều triệu chứng, do đó, không có một tiêu chuẩn đơn lẻ nào có đủ giá trị cho chẩn đoán lâm sàng. Các rối loạn hay bệnh lý khác có thể có các triệu chứng giống PCOS cần được loại trừ như tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, các loại u chế tiết androgen, hội chứng Cushing…

Hội chứng buồng trứng đa nang được chẩn đoán khi người bệnh có 2 trong 3 tiêu chuẩn:

  1. Rối loạn phóng noãn hay không phóng noãn
  2. Cường androgen được chẩn đoán bằng các dấu hiệu lâm sàng và/hay cận lâm sàng
  3. Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm

Chẩn đoán rối loạn phóng noãn:

Rối loạn phóng noãn được chẩn đoán trên lâm sàng thông qua các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt. Rối loạn kinh nguyệt thường theo kiểu kinh thưa (chu kỳ kinh nguyệt >35 ngày hay có kinh <8 lần/năm) hay vô kinh (không có kinh >6 tháng), hoặc vòng kinh ngắn (khoảng cách giữa 2 lần hành kinh <24 ngày).

Chẩn đoán cường androgen trên lâm sàng: Rậm lông, mụn trứng cá, hói đầu kiểu nam, béo phì.

Chẩn đoán hình ảnh buồng trứng đa nang

Hình ảnh BTĐN được xem là một trong những tiêu chuẩn để chẩn đoán PCOS. Dựa trên các bằng chứng y học hiện có, tiêu chuẩn siêu âm sau đây được xem là có đủ độ nhạy và độ đặc hiệu để chẩn đoán hình ảnh BTĐN: “Sự hiện diện của ≥12 nang noãn có kích thước 2-9mm trên một mặt cắt và/hay tăng thể tích buồng trứng (>10mL)”.

Nồng độ Androgen gây nên mụn nội tiết

Nồng độ Androgen gây nên mụn nội tiết

Các biến chứng của hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang có một số biến chứng nghiêm trọng:

– Nồng độ Estrogen tăng cao, tăng nguy cơ quá sản nội mạc tử cung. Và cuối cùng là ung thư nội mạc tử cung.

– Nồng độ Androgen thường tăng, làm tăng nguy cơ hội chứng chuyển hóa. Điều này gây ra chứng mọc lông quá nhiều. Tăng nồng độ insullin trong máu do kháng insulin góp phần làm tăng lượng androgen của buồng trứng. Theo thời gian, tăng nội tiết tố nam quá mức làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Bao gồm tăng huyết áp và tăng lipid máu. Nguy cơ thừa androgen và các biến chứng của nó có thể cũng cao như nhau ở phụ nữ không thừa cân như ở những người thừa cân.

– Vôi hóa động mạch vành và dày lớp trung mạc động mạch cảnh phổ biến hơn ở người bị PCOS. Điều này cho thấy có thể có xơ vữa động mạch cận lâm sàng.

– Đái tháo đường tuýp 2 và rối loạn dung nạp glucose phổ biến hơn và tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý và cuộc sống người bệnh. Do đó, ngay khi được chẩn đoán mắc hội chứng này, người bệnh cần có kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Xem ngay lời chia sẻ đến từ Ths.Bs Vương Vũ Việt Hà tại IVF Bưu điện:

Tùy vào tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị mà người bệnh được hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể. Quá trình điều trị thường bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống, bao gồm giảm cân, ăn kiêng và tập thể dục.

  • Giảm cân

Nghiên cứu cho thấy, việc giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện các triệu chứng PCOS. Thêm vào đó, giảm cân cũng giúp cải thiện mức cholesterol, giảm insulin, giảm các nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch và tiểu đường.

  • Ăn kiêng

Một chế độ ăn uống ít carbohydrate có hiệu quả cho cả việc giảm cân và giảm mức insulin bên trong cơ thể người bị đa nang buồng trứng. Chế độ ăn kiêng có chỉ số đường huyết (GI) thấp cũng giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt tốt hơn so với chế độ ăn thông thường.

  • Tập thể dục

Một số nghiên cứu chứng minh rằng, việc tập thể dục với cường độ vừa phải trong vòng 30 phút/ngày. Tập ít nhất 3 ngày/tuần sẽ giúp phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng giảm cân. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp cải thiện quá trình rụng trứng và mức insulin ở phụ nữ.

  • Sử dụng thuốc

Bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc sau: thuốc tránh thai, metformin, thuốc kích thích buồng trứng. Khuyến cáo người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tránh các biến chứng nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc.

  • Thụ tinh nhân tạo (Intrauterine Insemination – IUI)

IUI – phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Phương pháp được tiến hành bằng cách dùng thuốc kích thích trứng phát triển. Sau đó chọn lọc những tinh trùng khỏe nhất của người chồng. Tiếp đến  bơm vào buồng tử cung của người vợ ở thời điểm rụng trứng. Kết quả là tinh trùng bơi vào ống dẫn trứng, thụ thai như bình thường.

  • Thụ tinh ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF)

Một phương pháp điều trị khác giúp người bệnh mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể mang thai là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Bác sĩ sẽ tiến hành lấy trứng và tinh trùng của vợ chồng. Sau đó thụ tinh trong phòng thí nghiệm để tạo thành phôi thai. Sau đó, phôi thai được đưa vào tử cung người vợ để tiếp tục phát triển.

Các bước thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm

Tổng kết

Buồng trứng đa nang là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến sự sinh sản của phụ nữ. Do đó, khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, và đến ngay cơ sở y tế khi có những triệu chứng bất thường để can thiệp điều trị sớm, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Việc hiểu rõ về nó có thể giúp các bạn phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bạn nên tìm tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia để chọn phương pháp phù hợp nhất.

Nếu bạn đang gặp vấn đề về buồng trứng, liên hệ với IVF Bưu điện ngay hôm nay. Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm sẵn sàng lắng nghe tâm sự của bạn.

Hãy chọn sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy để đạt được sự khỏe mạnh trong cuộc sống. Liên hệ ngay đến hotline 19001897 để biết thêm thông tin và đặt cuộc hẹn tư vấn.

Đăng ký khám