Thụ tinh ống nghiệm IVF là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, dù tỷ lệ chuyển phôi thành công trên mỗi chu kỳ IVF là rất cao, khoảng 75% thì cũng có 25% còn lại là trường hợp không thành công. Vậy các dấu hiệu chuyển phôi thất bại là như thế nào? Trong bài viết này, IVF Bưu điện sẽ chỉ ra 3 dấu hiệu chuyển phôi thất bại bạn nhất định phải biết.
Sau khi đi qua một quá trình kích trứng, chọc trứng và chuyển phôi, chị em nào cũng mong muốn sớm nhận độc tin vui. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn thành công ngay lần đầu chuyển phôi. Dưới đây là 3 dấu hiện chuyển phôi thất bại bạn có thể lưu ý:
Sau khi chuyển phôi, đối với phôi ngày 5, quá trình phôi phát triển và làm tổ vào lớp nội mạc tử cung diễn ra khá nhanh sau khoảng 2 – 3 ngày. Khi phôi đào sâu vào lớp niêm mạc để làm tổ, cơ thể của mẹ sẽ xuất hiện một số biểu hiện của việc mang thai. Vì vậy, nếu sau khoảng 1 tuần, bạn không cảm được bất kỳ thay đổi nào, đây có thể là dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển phôi đã thất bại. Một số dấu hiệu mang thai sớm thường gặp bao gồm:
– Buồn nôn, thấy nôn nao: đây là biểu hiện phổ biến nhất, thường xuất hiện từ 1 – 2 tuần sau khi chuyển phôi.
– Ngực căng tức, núm vú đau: do sự thay đổi nội tiết tố, ngực của bạn sẽ căng túc và đầu núm sẽ trở nên nhạy cảm hơn.
– Cơ thể mệt mỏi, uể oải: Lượng progesteron tăng cao, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.
– Cảm thấy sốt nhẹ: Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
– Táo bón, đau bụng râm ran: đây là một số triệu chứng bạn có thể gặp do thay đổi về nội tiết và tác dụng của progesterone.
– Khẩu vị thay đổi, thèm nhiều đồ lạ: bạn có thể thèm ăn những món ăn mà trước đây bạn không hứng thú.
Lưu ý rằng, mỗi người sẽ có những dấu hiệu khác nhau cho thấy dấu hiệu thành công sau chuyển phôi. Do đó, nếu bạn không có hết những dấu hiệu trên cũng đừng vội lo lắng. Hãy theo dõi các dấu hiệu của cơ thể và nếu phát hiện những biểu hiện bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ trực tiếp để được tư vấn chính xác nhất.
Một trong những dấu hiệu chuyển phôi thất bại phổ biến và dễ nhận biết nhất là xuất hiện máu âm đạo. Nhiều chị em thường nhầm lẫn giữa máu báo thai và máu kinh nguyệt.
Máu báo thai xuất hiện khi phôi thai bám và làm tổ vào thành tử cung của người mẹ. Lúc này, lượng máu rất ít, chỉ vài đốm hoặc vệt màu hồng nhạt hoặc nâu. Ngược lại, máu kinh nguyệt có màu đỏ sẫm, đôi khi kèm theo cục máu đông và triệu chứng đau bụng dưới. Sự xuất hiện của máu kinh nguyệt có thể cảnh báo dấu hiệu chuyển phôi thất bại.
Tuy nhiên, khi lượng máu ra nhiều và kèm theo những cơn đau bụng dữ dội, đây có thể là dấu hiệu bất thường và cần liên hệ bác sĩ sớm.
Phôi thai sẽ phát triển và làm tổ trong 5 – 7 ngày sau chuyển phôi, lúc này nó sẽ bắt đầu di chuyển với vị trí nội mạc tử cung thích hợp để làm tổ. Thông thường, sau 14 ngày, bạn sẽ được chỉ định đến gặp bác sĩ để thực hiện định lượng nồng độ Beta HCG trong máu để xác định mình có mang thai hay không. Đây là một xét nghiệm vô cùng quan trọng giúp bạn có câu trả lời chính xác nhất.
Nếu ngưỡng chỉ số Beta HCG của bạn từ 6 – 24 mlU/ml thì bạn cần theo dõi thêm, trên 25 mlU/ml thì chúc mừng bạn đã mang thai. Tuy nhiên, nồng độ Beta HCG đạt dưới 5mlU/ml thì chính xác là dấu hiệu chuyển phôi thất bại.
Với các mẹ chuyển phôi thành công, nồng độ Beta HCG thường sẽ tăng nhanh, và thường gấp 2 sau 2 – 3 ngày. Nhưng nếu theo dõi thấy kết quả xét nghiệm Beta HCG tăng cao hơn mức bình thường, bạn có khả năng mang thai. Ngoài ra, trong trường hợp có kèm ra máu âm đạo và đau bụng, cần đến bệnh viện khám để loại trừ thai ngoài tử cung.
Sau khi xác định mang thai thành công, bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thiết kế chế độ ăn uốn khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, vận động nhẹ nhàng và đặc biệt là tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc uống thuốc và siêu âm định kỳ theo lịch hẹn.
Độ tuổi là yếu tố quan trọng ảnh hướng đến khả năng thành công hay thất bại trong quá chính chuyển phôi. Theo thống kê, tỷ lệ chuyển phôi thành công của chu kỳ IVF ở mỗi độ tuổi thay đổi như sau: cao nhất ở độ tuổi dưới 30 tuổi, đạt khoảng 40 – 45%. Sau đó, con số này bắt đầu giảm dần chỉ còn 20 – 30% với chị em từ 35 – 40 tuổi và trên 40% khi làm IVF thành công chỉ đạt khoảng 10 – 15% so với các lứa tuổi trẻ hơn.
Giải thích về điều này, ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện cho biết, độ tuổi liên quan chặt chẽ với chất lượng trứng, số lượng trứng và chất lượng tinh trùng. Khi phụ nữ lớn tuổi, chất lượng trứng giảm, dẫn tới một số tổn thương liên quan đến DNA, dẫn đến tỷ lệ tạo ra phôi bất thường cao và khi chuyển phôi có chất lượng, tỷ lệ có thai sẽ giảm.
Ngoài ra, số lượng trứng rụng mỗi tháng giảm dần theo thời gian. Do đó, phụ nữ lớn tuổi thường sẽ có ít lựa chọn phôi hơn, dẫn đến tỷ lệ chuyển phôi thành công thấp hơn. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, tuổi tác của nam giới cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công và thất bại sau chuyển phôi. Chất lượng tinh trùng có thể giảm sút dẫn đến tỷ lệ bất thường ở phôi cao hơn.
Một trong những nguyên nhân chuyển phôi thất bại là do trứng hoặc tinh trùng hoặc cả hai đều có chất lượng kém. Trứng và tinh trùng là hai yếu tố để tạo nên phôi thai. Vì vậy, khi làm IVF chất lượng trứng, tinh trùng rất quan trọng. Chỉ khi trứng và tinh trùng tốt thì mới có thể tạo ra phôi thai chất lượng, cơ hội thụ thai thành công cũng cao hơn rất nhiều.
Ngược lại, nếu sức khỏe của bố mẹ không tốt, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt hoặc mắc các bệnh lý mãn tính, nguy cơ trứng và tinh trùng không chất lượng. Điều này sẽ dễ dẫn đến phôi tạo ra có tỷ lệ bất thường cao, khó bám vào nội mạc tử cung và phát triển thành thai nhi khỏe mạnh.
Như vậy, để nâng cao tỷ lệ thành công khi làm IVF, các cặp vợ chồng nên chú ý nâng cao chất lượng trứng và tinh trùng như thiết lập lối sống lành mạnh: thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng và stress, cùng với đó là bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Buồng tử cung của người mẹ là nơi tiếp nhận phôi và niêm mạc tử cung là nơi phôi sẽ làm tổ. Do đó, môi trường trong cơ thể người mẹ thuận lợi, đầy đủ chất dinh dưỡng và độ dày niêm mạc lý tưởng sẽ giúp phôi dễ dàng bám và làm tổ vào thành tử cung.
Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận phôi kém ở nhiều phụ nữ là một những nguyên nhân dẫn đến nhiều dấu hiệu chuyển phôi thất bại trong quá trình Thụ tinh ống nghiệm (IVF), ngay cả khi phôi có chất lượng tốt.
Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận phôi:
– Độ dày tử cung: độ dày lý tưởng của niêm mạc để thụ thai là từ 8 – 12mm. Theo các chuyên gia, tử cung “ba lá” là hình ảnh đẹp trên siêu âm. Nếu niêm mạc quá mỏng hoặc quá dày, khả năng tiếp nhận phôi sẽ bị ảnh hưởng.
– Chất lượng nội mạc tử cung: Ngoài độ dày, chất lượng nội mạc tử cung cũng đóng vai trò quan trọng. Niêm mạc tử cung cũng cần có đủ mạch máu, hormone và các yếu tố khác để hỗ trợ sự phát triển của phôi.
– Sự tương thích giữa phôi và nội mạc tử cung: Có một số trường hợp, khi chất lượng phôi và độ dày niêm mạc tử cung đạt tiêu chuẩn, vẫn có thể xảy ra sự không tương thích dẫn đến thất bại làm tổ. Một khía cạnh của sự bất thường này là lệch cửa sổ làm tổ.
Dấu hiệu của khả năng tiếp nhận phôi kém có thể kể đến lịch sử chuyển phôi thất bại nhiều lần. Nếu bạn đã thực hiện chuyển phôi nhiều lần với chất lượng phôi tốt nhưng vẫn không thành công, khả năng tiếp nhận phôi kém có thể là nguyên nhân. Để xác định điều này, các bác sĩ có thể nội soi buồng tử cung. Kỹ thuật này không chỉ giúp chấn đoán bất thường trong tử cung bằng cách quan sát trực tiếp các tổn thương, đặc biệt hữu ích cho chị em chuyển phôi thất bại nhiều lần.
Đối với các cặp vợ chồng làm IVF, chặng hành trình tìm con sẽ không tránh khỏi những lúc mệt mỏi và căng thẳng. Lúc này, nếu không chú ý đến sức khỏe thể chất và tinh thần, cơ thể sẽ dễ mất cân bằng do thay đổi nội tiết tố. Điều này có thể gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Đồng thời, nếu ăn uống thiếu chất, thiếu dinh dưỡng cũng sẽ khả năng phát triển của phôi.Vì vậy, việc giữ tinh thần thoải mái và chế độ ăn uống khoa học rất quan trọng góp phần tăng khả năng mang thai.
Nếu chị em biết mình có những dấu hiệu chuyển phôi thất bại, chu kỳ kinh nguyệt của bạn vẫn sẽ diễn ra như bình thường. Hầu hết phụ nữ sẽ bắt đầu lại chu kỳ kinh nguyệt sau 14 ngày kể từ khi chọc trứng, nhưng cũng có nhiều trường hợp ra kinh sau 5 – 7 ngày rụng trứng.
Các chuyên gia lưu ý rằng, đối với chu kỳ có dấu hiệu chuyển phôi thất bại, lượng máu kinh đi kèm với các triệu đau bụng ở chu kỳ kinh nguyệt này có thể nhiều hơn so với chu kỳ trước đó do tác dụng phụ của thuốc kích trứng.
Hãy dành thời gian chuẩn bị tinh thần và chăm sóc sức khỏe thật tốt khoảng 2 – 3 tháng để cơ thể đạt đủ điều kiện lý tưởng để sẵn sàng mang thai. Sau đó, bạn có thể thực hiện chuyển phôi lần kế tiếp.
Một trong những điều cần làm sau chuyển phôi thất bại là ổn định tinh thần trước khi bước sang chu kỳ kế tiếp. Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và kiên nhẫn của cả 2 vợ chồng. Việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những thử thách là vô cùng quan trọng. Bạn hãy nhỡ rằng:
– Không nên hy vọng quá mức hoặc lo lắng quá độ: Tâm lý mong chờ quá mức và lo âu và căng thẳng nhiều, thậm chí trầm cảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả IVF.
– Thiếu kiên nhẫn: Thất bại trong lần chuyển phôi đầu tiên là điều hoàn toàn bình thường vì mặc dù tỷ lệ thành công của IVF có thể cao nhưng cũng có đến 25% tỷ lệ thất bại. Vì vậy, hãy giữ bình tĩnh, kiên nhẫn và không nên vội nản lòng.
Như đã phân tích ở trên, sức khỏe của cả hai vợ chồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình Thụ tinh ống nghiệm (IVF) và ảnh hưởng đến chất lượng trứng, tinh trùng. Do vậy, việc xây dựng lối sống lành mạnh cùng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là vô cùng cần thiết.
– Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là các khoáng chất, chất chống oxy hóa và vitamin. Hạn chế các thực phẩm chứa chất bảo quản, đồ ăn nhanh, nhiều dấu mờ và uống các đồ uống có cồn.
– Thói quen sinh hoạt: Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe tổng thể. Tránh căng thẳng, stress và luôn duy trì thái độ lạc quan tích cực.
– Thói quen sinh hoạt hai vợ chồng: Hạn chế quan hệ tình dục trong quá trình kích thích buồng trứng và sau khi chuyển phôi. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để biết thời điểm nào là thích hợp nhất nhé.
Sau chuyển phôi thất bại, bạn cần phối hợp với bác sĩ để đánh giá nguyên nhân thất bại là do đâu và lên kế hoạch cho lần chuyển phôi tiếp theo. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm về tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng, chất lượng tinh trùng, chất lượng trứng và kết quả nội soi, siêu âm cổ tử cung kết hợp với chất lượng phôi để đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Về thời điểm chuyển phôi lần 2, bạn có thể chuyển phôi ngay ở chu kỳ kế tiếp. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyên nên nghỉ ngơi từ 2 – 3 tháng để sức khỏe hoàn toàn hồi phục sẽ giúp bạn có thể chất và vững vàng hơn. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, khả năng sinh sản giảm mạnh vì vậy tránh trì hoãn thời gian chuyển phôi quá lâu để đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn và tăng cơ hội mang thai.
Việc chuyển phôi thất bại là điều không ai mong muốn để lại nhiều sự hụt hẫng cho cả 2 vợ chồng, ThS.BS. Vương Vũ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyển phôi thất bại không phải là thất bại tất cả. Bạn hãy luôn giữ vững niềm tin và hy vọng bởi vì nhiều trường hợp đã gặt hái thành công sau nhiều lần chuyển phôi thất bại trước đó. Thái độ lạc quan và luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp là chìa khóa cho mọi sự thành công. Cùng với đó là kỹ thuật chuyên môn của bác sĩ và các trang thiết bị hiện đại, Bác sĩ Vương Hà tin rằng, thành công nhất định sẽ đến và chỉ đến muộn một chút thôi!
Chúc bạn thành công và có một hành trình tìm kiếm con yêu thuận lợi và gặp nhiều may mắn nhé!