Xét nghiệm beta HCG ngày 14 sau chuyển phôi là cách chính xác nhất đánh giá tình trạng mang thai. Tuy nhiên, hãy để IVF Bưu điện chỉ cho các bạn một số dấu hiệu chuyển phôi thành công có thể quan sát, cảm nhận được trong thời gian đầu trước khi xét nghiệm beta.
Vào ngày đầu tiên sau chuyển phôi, bệnh nhân sẽ có hiện tượng mót tiểu liên tục, điều này không đáng lo ngại. Bạn không nên đóng tã bỉm, không ngồi xổm khi đi vệ sinh, trong quá trình di chuyển cần cẩn thận, tránh trơn trượt hay vấp ngã.
Bên cạnh đó, chị em phụ nữ NÊN giữ vùng kín sạch sẽ, thường xuyên thay quần lót, không nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh hay thảo dược để vệ sinh, thụt rửa sâu vào âm đạo.
Tránh các hoạt động tác động lên vùng bụng, về tư thế ngủ không quá quan trọng, bệnh nhân lựa chọn tư thế nằm thoải mái, không tạo áp lực lên vùng bụng.
Ngày 2 sau chuyển phôi thường chưa có dấu hiệu rõ rệt, một vài dấu hiệu có thể xuất hiện như hơi nhói đầu ti hay cảm giác mót tiểu vẫn còn.
Tuy quá trình làm tổ của phôi ít phụ thuộc vào tác động bên ngoài mà chủ yếu do chất lượng phôi và lớp niêm mạc tử cung của người mẹ, nhưng mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:
– Tránh mang vác, leo cầu thang, thực hiện các hoạt động vận động mạnh
– Nên đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm trên giường quá lâu nhằm thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể.
Thời điểm này phôi thai bắt đầu quá trình làm tổ vào niêm mạc tử cung, bệnh nhân có thể xuất hiện chảy máu âm đạo, hay còn gọi là “máu báo”. Đây là một tín hiệu vui, bởi khi làm tổ sẽ gây ảnh hưởng một chút tới niêm mạc, gây chảy máu. Tuy nhiên lượng máu tiết ra sẽ ít, trong trường hợp chảy máu nhiều thì cần đến viện để kiểm tra ngay.
Một vài dấu hiệu chuyển phôi thành công vào ngày 3 đến ngày 5 sau chuyển phôi có thể kể đến như
– Đau râm ran bụng dưới, có thể hơi nhói đau. Khi đó người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, dừng hoạt động.
– Lưng và hai bên vùng hông, eo mỏi, đau
– Ngực hoặc hai bên đầu ti căng, tức
Đây là giai đoạn quan trọng, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý trong ăn uống đủ chất, tránh táo bón, tiêu chảy. Tránh các hoạt động tác động lên bụng như gập, cúi người khi bê vác, xỏ giày, đứng dậy đi lại.
Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau râm ran bụng dưới trong những ngày tiếp theo kèm theo tiết dịch âm đạo (huyết trắng), thậm chí máu báo vẫn tiết ra. Giai đoạn này nội tiết tố người phụ nữ tăng cao, mẹ bầu nhớ sử dụng theo đơn thuốc của bác sĩ chỉ định.
Vào ngày 7, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu ứng ốm, sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài trong vài ngày. Bạn nên nằm nghỉ ngơi, bổ sung các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để cơ thể sớm ổn định lại.
Thời điểm này, tình trạng thèm ăn có thể xuất hiện, giúp mẹ bầu ăn được nhiều hơn, hoặc ngược lại hiện tượng lười ăn, ăn không ngon sẽ xảy ra. Đây cũng là một trong những dấu hiệu chuyển phôi thành công, để đảm bảo dinh dưỡng nuôi thai nhi, bạn vẫn nên cố gắng ăn đủ chất.
Nhiều triệu chứng trong giai đoạn này như: nôn nghén, chóng mặt, mệt mỏi, khó thở,.. Nếu cơ thể không xuất hiện những dấu hiệu chuyển phôi thành công này, bạn cũng đừng quá lo lắng bởi tình trạng cơ thể mỗi người khác nhau.
Với tâm lý hồi hộp chờ đợi kết quả, các bạn thường lựa chọn thời điểm này để thử thai. Nhiều trường hợp bệnh nhân thử thai lên 1 vạch nhưng lại mang thai hoặc ngược lại. Điều này có thể giải thích như sau, do trong giai đoạn này bạn vẫn đang sử dụng đơn thuốc nội tiết của bác sĩ, nên có thể ảnh hưởng đến cơ thể, gây ra hiện tượng dương tính giả. Trong trường hợp xét nghiệm 1 vạch hay 2 vạch, bạn vẫn nên tiếp tục sử dụng đơn thuốc của bệnh viện, đến ngày 14 kiểm tra beta HCG để cho kết quả chính xác nhất.
Bạn sẽ đến cơ sở y tế hoặc thuê những dịch vụ xét nghiệm beta HCG tại nhà vào ngày thứ 14 sau chuyển phôi. Nếu nồng độ beta trên 25 mIU/ml thì cho thấy bạn đã CÓ THAI. Đây là thời điểm nồng độ beta cao và tăng nhanh khoảng 1.5-2 lần sau mỗi 48 giờ.
Nồng độ thấp nhưng vẫn tăng đều thì cũng không đáng lo bằng việc nồng độ cao nhưng không tăng hay tăng chậm. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên báo ngay với bác sĩ điều trị để có phương án xử lý, hỗ trợ, can thiệp giúp giữ thai an toàn, ngăn ngừa thai lưu.
Nếu beta của bạn sau 2 ngày có xu hướng giảm xuống dưới 5 mIU/ml, thì rất chia buồn, bạn đã sảy thai. Trường hợp beta cao hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu mang đa thai. Bên cạnh việc xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone beta HCG để xem có mang thai hay không, bạn có thể kết hợp siêu âm khi đủ tuần tuổi để bác sĩ đánh giá kỹ hơn về số lượng, vị trí, tình trạng thai nhi.
Đầu tiên, bạn cần hiểu cơ chế hoạt động của que thử thai, nó phản ứng với nồng độ HCG trong nước tiểu sau đó hiện lên kết quả trên thân que. Sử dụng que thử thai để kiểm tra thường mang tính chất định tính, có thể sai lệch do nồng độ HCG trong cơ thể bệnh nhân cao nhiều khi không phải do mang thai mà là ảnh hưởng của thuốc nội tiết.
Ngày phù hợp nhất để thử thai rơi vào ngày thứ 12 sau chuyển phôi, bạn không nên thử thai quá sớm, có thể lúc này nồng độ HCG còn thấp, không hiển thị kết quả trên que thử. Phương pháp chính xác nhất chính là xét nghiệm beta HCG vào ngày thứ 14 sau chuyển phôi.
Trường hợp thử thai âm tính, bệnh nhân không nên quá lo lắng hay suy sụp quá sớm. Nguyên nhân có thể phôi thai làm tổ trong giai đoạn đầu chưa tiết ra quá nhiều hormone HCG vào máu và nước tiểu của người mẹ. Chính vì vậy khi thử thai, lượng hormone trong nước tiểu còn ít, chưa đủ để que thử thai hiển thị, hay còn gọi là âm tính giả. Khi đó, bạn cứ tiếp tục sử dụng thuốc nội tiết và chờ ngày hẹn xét nghiệm beta của bác sĩ để kiểm tra lại.
Theo Ths.BS Vương Vũ Việt Hà, sau chuyển phôi cơ thể bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng như buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần, nôn nghén, mệt mỏi, tức ngực, ra máu âm đạo,.. Các bạn thường truyền tai nhau đây là những dấu hiệu chuyển phôi thành công, giúp nhận biết sớm tình trạng mang thai trước khi xét nghiệm. Thực tế điều này không hoàn toàn sai, nhưng không phải là dấu hiệu chắc chắn, rất nhiều mẹ bầu không có bất kỳ dấu hiệu nào nhưng lại mang thai thành công
“Tôi thường khuyên các bệnh nhân của mình rằng không nóng vội thử thai, cứ tiếp tục sử dụng đơn thuốc, nếu có dấu hiệu nghiêm trọng hay bất thường như ra máu quá nhiều, đau bụng dữ dội, sốt cao,… thì cần đến ngay bệnh viện thăm khám”. Ths.BS Vương Vũ Việt Hà chia sẻ.
Hành trình tìm con là một quá trình dài, và sau chuyển phôi chính là thời điểm chờ đợi trái ngọt. Chính vì vậy chúng ta càng cần phải cẩn trọng, quan tâm, lắng nghe cơ thể, duy trì thói quen tập luyện thể dục và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. IVF Bưu điện luôn đồng hành, hỗ trợ các bạn trong suốt hành trình này, nếu còn bất kỳ thắc mắc hãy liên hệ Hotline 19001897 để được hỗ trợ nhé!