Vì sao bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng IUI?

Thụ tinh nhân tạo IUI là phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn phổ biến, an toàn với tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh nhân gặp phải tình trạng bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng IUI. Vậy triệu chứng này có nguy hiểm và nguyên nhân vì sao, hãy để IVF Bưu điện giải đáp thắc mắc nhé!

I.Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là gì?

Bơm tinh trùng là một phương pháp hỗ trợ sinh sản ít xâm lấn và đem lại hiệu quả cao hơn so với mang thai tự nhiên. Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật bơm tinh trùng đã được chọn lọc vào tử cung của người phụ nữ vào thời điểm rụng trứng. Hiện nay, tỷ lệ thành công của phương pháp rơi vào khoảng 15-25%.

Trước khi thực hiện thủ thuật, các cặp vợ chồng sẽ cần thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hormone, số lượng và chất lượng tinh trùng, siêu âm theo dõi chu kỳ rụng trứng, khám tổng quát sức khỏe. Nếu đáp ứng được tiêu chuẩn, đủ điều kiện thực hiện phương pháp IUI, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

Bước 1: Tiêm thuốc kích thích buồng trứng

Thông thường, bệnh nhân sẽ được khuyên sử dụng thuốc kích thích buồng trứng để làm tăng nội tiết tố trong cơ thể, tăng số lượng trứng trưởng thành và rụng trong chu kỳ, từ đó tăng tỷ lệ tinh trùng thụ tinh với trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi sự phát triển của nang trứng trong chu kỳ, từ đó có sự tăng giảm liều lượng thuốc sử dụng phù hợp. 

Đến thời điểm noãn chín, bác sĩ sẽ tiêm liều thuốc rụng trứng cuối cùng, và hẹn lịch tiến hành bơm tinh trùng. Thời gian bơm tinh trùng thường diễn ra trong khoảng 36-40 tiếng sau khi tiêm mũi cuối.

Bước 2: Chuẩn bị tinh trùng

Người chồng thường sẽ được hẹn lấy mẫu tinh trùng ngay tại bệnh viện đa khoa vào ngày bơm tinh trùng IUI. Để có chất lượng tinh trùng tốt nhất, nam giới nên kiêng xuất tinh khoảng 3-5 ngày trước khi lấy mẫu. 

Tinh trùng sau khi được lấy không được bơm lập tức vào tử cung phụ nữ, mà cần tiến hành công đoạn lọc rửa, chọn lọc trong phòng labo. Mục đích của việc này để loại đi những tinh trùng không đạt yêu cầu, dị dạng, di động kém, loại bỏ tinh dịch để tránh trường hợp phụ nữ dị ứng tinh dịch.

Trong trường hợp xin tinh trùng, bác sĩ sẽ tiến hành rã đông trước khi mang đi lọc rửa.

Bước 3: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục của người phụ nữ và đặt dụng cụ mỏ vịt âm đạo.  Sau đó, sử dụng ống thông Catheter để hút tinh trùng sau khi lọc rửa và nhẹ nhàng đặt ống Catheter vào trong tử cung của người vợ. 

Dụng cụ được vệ sinh sạch sẽ trước khi tiến hành thủ thuật

Dụng cụ được vệ sinh sạch sẽ trước khi tiến hành thủ thuật

Bác sĩ sẽ nhìn thông qua màn hình siêu âm để xác định chính xác Catheter đã vào trong buồng tử cung hay chưa. Tiếp đó, nhẹ nhàng bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Cuối cùng, rút ống Catheter và tháo mỏ vịt.

Sau khi thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân nên nằm nghỉ 15-30 phút sau đó có thể sinh hoạt bình thường

II.Nguyên nhân bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng

Một câu được rất nhiều bệnh nhân hỏi đó là cơ thể có dấu hiệu bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng liệu có nguy hiểm không? Theo Ths.BS Vương Vũ Việt Hà, đây phần lớn là di chứng thường gặp sau khi tiêm thuốc kích trứng, không ảnh hưởng đến quá trình tinh trùng thụ tinh với trứng, bệnh nhân không cần quá lo lắng.

Thuốc kích trứng là một loại thuốc nội tiết, khi tiêm vào cơ thể người mẹ, sẽ làm tăng nồng độ Estradiol, khiến buồng trứng bị kích thích để sản sinh nang trứng tốt nhất. Chính vì vậy, một số bệnh nhân bị quá kích buồng trứng sẽ xuất hiện tình trạng bị đau bụng dưới kèm theo các triệu chứng buồn nôn, bụng căng lên. 

Bên cạnh đó, bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng IUI có thể là một dấu hiệu của thai kỳ, báo hiệu sự làm tổ của phôi thai vào tử cung. Khi đậu thai thì hiện tượng quá kích buồng trứng sẽ tăng lên và kéo dài hơn. Trong trường hợp này, bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước, khoảng 3-4 lít một ngày kết hợp các loại thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm, sinh hoạt lành mạnh. 

Bệnh nhân bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng

Bệnh nhân bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng phần lớn là di chứng của việc sử dụng thuốc kích trứng

Ngoài ra, đây cũng có thể là di chứng khi thực hiện thủ thuật bơm tinh trùng vào tử cung. Sự tác động của một số dụng cụ vào tử cung trong quá trình bơm có thể khiến bệnh nhân bị đau nhẹ bụng dưới. Triệu chứng này sẽ tự động biến mất vài ngày sau thủ thuật, và cũng gây nguy hiểm gì đến bệnh nhân.

Trong một số trường hợp, triệu chứng này kéo dài, và nghiêm trọng hơn như bụng ngày càng căng, khó thở, nôn nhiều, tiểu ít thì vợ chồng cần đến ngay cơ sở y tế để kịp thời thăm khám và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.

III.Các triệu chứng sau IUI 5 ngày – 7 ngày

Ngoài triệu chứng bệnh nhân bị đau bụng dưới sau khi bơm tinh trùng, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện vào ngày 5 sau thường gặp là:

Xuất huyết âm đạo: ra ít máu, lốm đốm, màu hồng nhạt, đây có thể là tín hiệu tốt do phôi thai làm tổ. Cần lưu ý rằng máu báo này thường ra ít và màu sắc khác với đỏ đậm của kỳ kinh.

Máu ở âm đạo sau chuyển phôi thường màu hồng nhạt, khác với đỏ đậm của kỳ kinh

Máu ở âm đạo sau chuyển phôi thường màu hồng nhạt, khác với đỏ đậm của kỳ kinh

Chuột rút: 30-35% phụ nữ sau chuyển phôi gặp phải, và đa số chị em thành công mang thai đều có dấu hiệu này

Dấu hiệu ốm nghén: Nồng độ hormone, đặc biệt là Progesterone tăng trong cơ thể khiến người phụ nữ có biểu hiện ốm nghén như mệt mỏi, buồn nôn, thói quen ăn uống thay đổi,.. Ngoài ra, cảm giác mệt mỏi đến từ việc huyết áp và đường trong máu suy giảm để tăng sản xuất máu, vận chuyển máu nuôi dưỡng thai nhi.

Trễ kinh: Đây là một tín hiệu tốt cho việc đậu thai sau bơm tinh trùng ở người phụ nữ. Tuy nhiên để có kết quả chính xác nhất, bệnh nhân nên sử dụng que thử thai và xét nghiệm beta HCG vào ngày 14 sau bơm IUI.

IV.Những lưu ý sau khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung  IUI

  1. Chế độ sinh hoạt

– Khi quá trình bơm IUI hoàn tất, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại cơ sở y tế từ 15-30 phút. Sau đó nhẹ nhàng di chuyển về nhà như bình thường. Các bạn vẫn có thể di chuyển bằng các phương tiện như xe máy, ô tô, tàu hoả,.. thậm chí cả máy bay.

– Những ngày sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân có thể sinh hoạt, vận động như bình thường, vẫn có thể đi làm công việc văn phòng hàng ngày như trước khi bơm. 

– Vệ sinh thân thể sạch sẽ

– Tránh bưng bê mang vác, lao động quá sức 

– Tránh chơi các môn thể thao mạnh nhưng vẫn có thể đi bộ, tập yoga, thiền để giữ cho tâm lý thoải mái và sức khỏe tốt

  1. Vấn đề ăn uống

– Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Bệnh nhân nên ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường (ngũ cốc, các loại hạt,..), nhóm chất đạm( thịt, cá, trứng sữa), nhóm chất béo (bơ, mỡ động vật,.) và nhóm vitamin – khoáng chất (rau xanh và hoa quả tươi)

– Uống đủ nước mỗi ngày: Lượng nước một ngày bệnh nhân nên uống khoảng 1.5-2 lít.

Thức ăn đầy đủ dinh dưỡng

Bệnh nhân nên ăn uống đủ chất, không cần quá kiêng kem

  1. Theo dõi các dấu hiệu bất thường

Sau khi bơm tinh trùng, người phụ nữ cần theo dõi những biến đổi của cơ thể, nếu có những dấu hiệu sau cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám:

– Đau bụng dưới mức độ nhiều và kéo dài

– Chảy máu âm đạo nhiều

– Bụng căng trướng, ngày càng to

– Tăng cân nhanh

– Ho, sốt, nổi mề đay, dị ứng

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân cần khai báo với nhân viên y tế về tình trạng thai kỳ để được sử dụng những loại thuốc không ảnh hưởng đến thai nghén.

  1. Tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ

Mỗi bệnh nhân đều được các bác sĩ kê đơn, chỉ định những loại thuốc phù hợp nhất sau khi bơm IUI. Chính vì vậy, các bạn nên dùng đúng, dùng đủ đơn thuốc các bác sĩ đã cho, và thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Trong quá trình nếu có bất kỳ vấn đề hay thay đổi nào đó trên cơ thể, cần liên hệ với bác sĩ thực hiện để được tư vấn kịp thời.

V.Lời khuyên của Ths.Bs Vương Vũ Việt Hà – IVF Bưu Điện

Theo Ths.BS Vương Vũ Việt Hà, tâm lý chung của những cặp vợ chồng sau khi thực hiện bất kỳ phương pháp hỗ trợ sinh sản nào đều là lo lắng những bất thường trên cơ thể. Các bạn lo rằng liệu nó có thể ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi không, có thể làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công, thai lưu hay không.

Thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với những cung bậc cảm xúc đó, mình luôn cố gắng kịp thời giải đáp, tư vấn trước và sau khi thực hiện thủ thuật cho các bạn. Mục đích cuối cùng là tâm lý bệnh nhân thoải mái nhất, đón được con yêu khỏe mạnh về nhà.

Bác sĩ Hà - IVF Bưu điện tư vấn

Bác sĩ Hà – IVF Bưu điện, luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho các bạn

Với thắc mắc đã đề cập phía trên về hiện tượng bạn bị đau bụng dưới khi bơm tinh trùng IUI, thì mình xin trả lời rằng “Đây là triệu chứng hoàn toàn bình thường”. Các bạn cố gắng uống nhiều nước, sau khoảng vài ngày thì cơn đau sẽ giảm dần. Tuy nhiên nếu sau đó mà tình trạng này vẫn kéo dài và trở nặng hơn thì các bạn cần đến ngay bệnh viện, thăm khám theo chỉ định của bác sĩ để xác định nguyên nhân và phòng tránh rủi ro.

Bác sĩ Hà xin chúc các cặp vợ chồng đã và đang trên hành trình tìm con, sớm đón được con yêu khỏe mạnh ngay trong lần thực hiện thủ thuật này!

Đăng ký khám